Khi có con trên 13 tuổi nhưng chưa có dấu hiệu dậy thì, nhiều phụ huynh cực kỳ hoang mang không biết liệu bé có dậy thì muộn không và điều lo lắng nhất là ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe sinh sản của bạn nhỏ sau này. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ tháo gỡ những băn khoăn này và có giải pháp giúp con phát triển khỏe mạnh nhé.
Dậy thì muộn ở trẻ là gì?
Tuổi dậy thì là cột mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn trẻ bắt đầu phát triển hoàn thiện hơn và có sự chuyển đổi sinh lý từ nhi đồng sang thiếu niên. Theo đó, trẻ thường bước vào tuổi dậy thì ở độ tuổi 8 - 13 tuổi với bé gái, còn bé trai thì từ 9 - 14 tuổi.
Dậy thì muộn là tình trạng tuổi dậy thì diễn ra trễ hơn bình thường. Cụ thể, nếu bé gái trên 13 - 14 tuổi và bé trai trên 15 - 16 tuổi vẫn chưa có dấu hiệu dậy thì được cho là dậy thì muộn.
Dấu hiệu dậy thì muộn ở trẻ
Cha mẹ có thể nhận biết bé gái dậy thì muộn khi con sau 13 - 14 tuổi chưa có các biểu hiện như: Ngực, bộ phận sinh dục ngoài phát triển, xuất hiện lông mu, lông nách, tăng trưởng đáng kể về chiều cao, bắt đầu có kinh nguyệt,..
Cha mẹ nên lưu ý những dấu hiệu con dậy thì muộn để kịp thời nhận biết.
Với bé trai được cho là dậy thì muộn khi con trên 15 - 16 tuổi chưa thấy các dấu hiệu dậy thì bao gồm: dương vật tăng kích thước, tinh hoàn phát triển, xuất hiện lông mu, lông nách, giọng vỡ, phát triển chiều cao nhanh,...
>> Xem thêm: Sự khác biệt giữa tuổi dậy thì ở bé trai và bé gái
Nguyên nhân dẫn đến dậy thì muộn ở trẻ
Trẻ dậy thì muộn có thể do một số nguyên nhân về di truyền, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, căng thẳng quá mức,... Cụ thể như sau:
Do di truyền
Yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến quá trình dậy thì của trẻ. Nếu trong gia đình có người dậy thì muộn thì nhiều khả năng trẻ cũng gặp tình trạng tương tự.
Do rối loạn hoạt động vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến giáp hoặc buồng trứng
Trẻ gặp các vấn đề như chứng suy sinh dục, có khối u ở tuyến yên, suy tuyến giáp có thể làm chậm quá trình dậy thì. Với bé gái, tình trạng rối loạn nội tiết, thiếu hormone tăng trưởng, bệnh lý suy buồng trứng,... cũng là những nguyên nhân khiến trẻ dậy thì muộn.
Do chế độ dinh dưỡng kém
Chế độ dinh dưỡng thiếu chất làm cản trở quá trình vận hành của các hormone và khiến các cơ quan trong cơ thể trẻ kém phát triển. Đặc biệt, trẻ bị chán ăn hoặc rối loạn ăn uống dễ bị giảm cân nhanh, từ đó gây ra suy dinh dưỡng và dậy thì muộn.
Do tập thể dục quá mức
Nhiều trường hợp trẻ tập thể dục quá độ (tham gia thể thao chuyên nghiệp) có thể dẫn đến tình trạng dậy thì muộn.
Do căng thẳng nghiêm trọng
Tâm lý căng thẳng kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dậy thì trễ hơn bạn cùng lứa.
Do mắc bệnh mạn tính
Trẻ mắc các bệnh mạn tính như thiếu máu hồng cầu liềm, viêm đại tràng, xơ nang,... thường có quá trình dậy thì muộn.
>> Dành cho bạn:
- Mách mẹ chế độ dinh dưỡng phù hợp cho con khỏe mạnh bước vào giai đoạn dậy thì
- Tìm hiểu tâm sinh lý con cái trong giai đoạn dậy thì
- Bí quyết giúp bạn giữ vững tâm lý khi bước vào tuổi dậy thì
Dậy thì muộn có ảnh hưởng gì đến trẻ?
Nhiều mẹ lo lắng liệu trẻ dậy thì sớm có nguy hiểm không. Tình trạng này có thể là rào cản tâm lý lớn với trẻ, cũng như ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này của con:
Ảnh hưởng tâm lý, tự ti với các bạn
Khi thấy bản thân phát triển không giống các bạn, trẻ có xu hướng cảm thấy hoang mang, lo lắng. Đặc biệt, các bé chậm dậy thì thường có chiều cao thấp hơn bạn bè, từ đó khiến con cảm thấy tự ti và không dám thể hiện bản thân.
Trẻ dậy thì muộn dễ có tâm lý lo lắng, hoang mang, tự ti và không dám thể hiện cá tính.
>> Xem thêm: Chia sẻ cách giúp trẻ nâng cao tự tin về ngoại hình
Ảnh hưởng khả năng sinh sản sau này của trẻ
Tình trạng dậy thì muộn có thể cản trở quá trình phát triển các bộ phận sinh dục, từ đó tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sinh sản và đời sống tình dục của con sau này.
Để phòng tránh những hệ quả không mong muốn trên, khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu dậy thì muộn, phụ huynh cần đưa con đi khám ngay. Ngoài ra, cha mẹ nên theo dõi sát biểu đồ tăng trưởng và thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ.
Đồng thời, các bậc phụ huynh nên "làm bạn" cùng con, bình thường hóa những cuộc nói chuyện về giới tính để dễ dàng đồng hành cùng trẻ đối mặt, làm quen với những thay đổi về thể chất và tâm lý. Tâm sự cùng con cũng là cách giúp trẻ thoải mái chia sẻ về các vấn đề tâm sinh lý mà không ngại ngần, e dè, từ đó tháo gỡ những trăn trở khó nói.
>> Xem ngay: Áp lực tuổi dậy thì và cách vượt qua
Hy vọng những thông tin chia sẻ trên đây có thể giúp cha mẹ thêm vững tâm trở thành điểm tựa tâm lý cùng con vượt qua giai đoạn dậy thì muộn nhiều bỡ ngỡ, hoang mang. Cha mẹ đừng quên theo dõi các bài viết khác tại mục Hệ phụ huynh trên website Diana - Bạn Thân Ngày Dâu để tích lũy thêm kiến thức bổ ích, giúp con có hành trình tuổi dậy thì thuận lợi và khỏe mạnh nhé!