Chu kỳ kinh nguyệt bình thường trung bình cách nhau khoảng 24 - 38 ngày và mỗi lần hành kinh kéo dài 3 - 5 ngày. Tuy nhiên, một số bạn gái mới bước vào tuổi dậy thì gặp tình trạng mất kinh (hay không có kinh nguyệt) kéo dài nhiều tháng liền và lo lắng không biết nguyên nhân. Liệu đây có phải là tình trạng bế kinh không? Cách xử trí thế nào? Hãy cùng Bạn Thân Ngày Dâu và Diana tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé!
Thế nào là bế kinh?
Bế kinh (hay còn gọi là tắc kinh, mất kinh) là một trong các loại rối loạn kinh nguyệt thường gặp, xuất hiện vì kinh nguyệt ứ đọng trong cơ thể, không thể thoát ra ngoài (hoặc chỉ ra một lượng rất ít) trong 3 tháng liên tiếp. Nếu bạn gặp tình trạng bế kinh liên tục từ 3 - 6 tháng, kèm theo nhiều biểu hiện bất thường như đau bụng quằn quại, tăng cân bất thường, rụng lông/tóc… thì có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nghiêm trọng, cần phải được thăm khám ngay.
Tùy vào cơ địa của mỗi người mà bế kinh có thể kéo dài 3 - 6 tháng, thậm chí là nhiều năm liền, đến lúc mãn kinh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý. Thông thường, bế kinh xuất hiện ở cả nữ giới trong tuổi dậy thì và phụ nữ trước mãn kinh.
Bế kinh cơ bản được chia làm hai loại là bế kinh nguyên phát và thứ phát, cụ thể là:
- Bế kinh nguyên phát: Là tình trạng các bạn nữ đã đến tuổi dậy thì nhưng vẫn chưa xuất hiện kinh nguyệt.
- Bế kinh thứ phát: Xuất hiện ở các bạn nữ đã có kinh trước đó, nhưng đột nhiên thay đổi chu kỳ, chu kỳ thưa dần hoặc không có kinh nữa.
Bế kinh là một loại rối loạn kinh nguyệt thường gặp, có thể xuất hiện ở các bạn nữ mới dậy thì.
>> Giải đáp ngay: Nguyên nhân dẫn đến một tháng có kinh hai lần? Có đáng lo ngại không?
Tình trạng bế kinh ở tuổi dậy thì xuất hiện do đâu?
Đối với bế kinh nguyên phát xuất hiện là do:
- Thiếu hụt nội tiết tố: Buồng trứng, tuyến giáp và tuyến yên gặp vấn đề nên không thể sản sinh hormone nội tiết, gây ra tình trạng bế kinh.
- Rối loạn nội tiết tố: Là tình trạng hormone estrogen và progesteron sinh ra bất thường (quá ít hoặc quá nhiều) vì tuổi tác, bệnh tật, môi trường sống ô nhiễm…
Mặc khác, đối với bế kinh thứ phát xảy ra có thể là do:
- Chế độ dinh dưỡng không khoa học: Chế độ ăn uống thiếu chất, tiêu thụ nhiều gia vị (đường, muối,...), các món ăn nhiều dầu mỡ,... khiến cơ thể bị nóng trong, khó chịu, từ đó có thể dẫn đến tắc kinh.
- Cấu trúc cơ quan sinh sản bất thường: Cơ quan sinh sản có cấu trúc khác lạ (như tử cung có vách ngăn, không có tử cung,...) dẫn đến không thể đẩy máu ra ngoài thuận lợi khiến ứ đọng và bế kinh.
>> Dành cho bạn: Đến tháng nên ăn gì để kinh nguyệt đều nhỉ?
Vậy bế kinh có nguy hiểm đến sức khỏe của bạn gái không?
Bế kinh sẽ gây ra hiện tượng đau bụng dưới hàng tháng, mỗi lần kéo dài 3 - 4 ngày. Những lần sau, mức độ đau có thể tăng dần so với lần trước. Điều này khiến các bạn gái cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
Bên cạnh đó, nếu tình trạng mất kinh xảy ra nhiều tháng liền thì nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc gặp phải bệnh lý phụ khoa là rất cao.
Vì thế, lời khuyên dành cho các bạn gái là nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường khi đến tháng thì hãy đến bác sĩ phụ khoa để thăm khám càng sớm càng tốt. Qua đó giúp bạn tìm ra được nguyên nhân sớm và có phương hướng xử lý phù hợp.
Nếu tình trạng bế kinh kéo dài kèm theo các dấu hiệu lạ thì bạn nên báo với người thân và đến gặp bác sĩ ngay để được được thăm khám.
“Bỏ túi” cách chăm sóc cơ thể giúp bạn nữ tuổi dậy thì khắc phục tình trạng bế kinh
Nếu sau khi thăm khám, nguyên nhân bế kinh không phải đến từ bệnh lý thì bạn có thể sử dụng những cách hữu ích sau giúp điều hòa kinh nguyệt:
- Giữ suy nghĩ tích cực: Bằng việc giải tỏa các căng thẳng, mệt mỏi hàng ngày thông quá các hoạt động tích cực như tập luyện thể dục, thiền định, đọc sách, nghe nhạc,... giúp tâm trạng luôn thoải mái và vui vẻ.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Phù hợp với thể trạng, hạn chế các loại đồ ăn nhanh, nhiều chất bảo quản, đồ cay nóng,... giúp bạn giảm các cơn đau bụng kinh và mệt mỏi do bế kinh.
- Tránh sử dụng thuốc giảm đau nếu chưa có chỉ định bác sĩ: Thuốc giảm đau nếu sử dụng lâu dài có thể mang đến nhiều tác dụng phụ cho người sử dụng. Do đó, bạn chỉ nên uống thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
- Thăm khám phụ khoa định kỳ: Bạn nên khám phụ khoa 3 - 6 tháng/lần, sau khi sạch kinh 3 - 5 ngày giúp sớm phát hiện các vấn đề bất thường của cơ thể, từ đó có hướng giải quyết nhanh chóng.
>> Chia sẻ ngay: Bí quyết giúp bạn chăm sóc "cô bé" đúng chuẩn trong ngày kinh nguyệt
Tạm kết, bế kinh là một tình trạng rối loạn kinh nguyệt không quá hiếm gặp nhưng cần phải tìm cách xử trí thích hợp càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Các bạn gái có thể xem thêm các bài viết trên Bạn Thân Ngày Dâu để tìm kiếm lời giải đáp cho các vấn đề “thầm kín” của mình nhé!