Nổi loạn tuổi dậy thì: Có thể hiểu như thế nào?
Tuổi nổi loạn là gì? Nổi loạn tuổi dậy thì là tình trạng tâm lý của trẻ trong độ tuổi dậy thì bộc lộ cái tôi mạnh mẽ và có xu hướng tìm cách vượt qua những quy tắc để thể hiện cá tính,… Trẻ có những thay đổi liên tục về mặt tâm lý, nhận thức và hành vi.
Trong giai đoạn này, trẻ thường có các biểu hiện về tâm lý như:
- Bướng bỉnh, phản đối cha mẹ.
- Gây gổ với bạn bè ở trường.
- Đua đòi theo xu hướng.
- Học hành sa sút, mất tập trung.
- Mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất.
Nguyên nhân từ nhiều phía
Ở giai đoạn tuổi dậy thì, sự phát triển nhanh của các hormone dẫn đến những thay đổi về tâm lý ở trẻ. Một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất là trẻ dần thể hiện tính tự chủ trong suy nghĩ và hành động, muốn tự quyết định nhiều việc. Ví dụ như, trẻ muốn tự lựa chọn trang phục, phong cách thời trang theo sở thích của bản thân. Lúc này, nếu cha mẹ không thực sự thấu hiểu trẻ sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn, kéo dài khoảng cách với con.
Sự phát triển nhanh của hormone trong tuổi dậy thì khiến trẻ có nhiều thay đổi về tính cách và hành vi.
Ngoài ra, ở giai đoạn này, trẻ dễ bị tác động bởi những người xung quanh. Đặc biệt với những trẻ có biểu hiện dậy thì sớm như nổi nhiều mụn, thay đổi về hình thể,... thường bị bạn bè trêu chọc khiến con cảm thấy tự ti, bối rối. Nếu không được người lớn chia sẻ và định hướng, trẻ dễ bị hoang mang, về lâu dài ảnh hưởng đến tâm lý, rối loạn hành vi và cảm xúc.
>> Xem ngay: Bí quyết giúp phụ huynh tìm hiểu tâm sinh lý con gái trong giai đoạn dậy thì
Cách ứng xử khi con nổi loạn tuổi dậy thì
Học cách đến gần con hơn sẽ giúp cha mẹ dễ dàng đồng hành cùng trẻ vượt qua chặng đường tuổi mới lớn nhiều bỡ ngỡ. Theo đó, cha mẹ có thể áp dụng một số cách ứng xử sau đây khi thấy con có dấu hiệu nổi loạn tuổi dậy thì:
Tuyệt đối không sử dụng bạo lực với con
Nhiều cha mẹ khi thấy con không nghe lời, bướng bỉnh,... thì thường la mắng, thậm chí sử dụng đòn roi với hy vọng con thay đổi. Tuy nhiên, cách dạy con tuổi dậy thì này lại tạo phản ứng ngược, khiến trẻ càng chống đối mạnh mẽ hơn và ngày càng có khoảng cách với cha mẹ. Không những vậy, trẻ ở tuổi dậy thì rất nhạy cảm, con dễ bị tổn thương bởi hành động bạo lực từ cha mẹ và có thể để lại vết hằn tâm lý khi trưởng thành.
Kiên nhẫn trò chuyện và phân tích đúng sai trong hành vi của con
Khi bước vào tuổi dậy thì thích khám phá cá tính riêng, con khó tránh được những sai lầm khiến cha mẹ buồn lòng. Tuy nhiên, phụ huynh hãy đồng hành cùng trẻ bằng cách kiên nhẫn trò chuyện, phân tích đúng sai trong hành vi của trẻ. Chẳng hạn như, nếu trẻ bỏ học đi chơi game, cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao và chỉ ra cho con hậu quả khi bỏ bê việc học. Nhờ vậy, trẻ sẽ từ từ nhận thức và điều chỉnh hành vi của bản thân.
>> Xem thêm: Mách mẹ mẹo giúp con trẻ giữ vững tâm lý khi bước vào tuổi dậy thì
Ngừng so sánh với những đứa trẻ khác
Không ít cha mẹ nghĩ rằng việc so sánh con với bạn bè nhằm mục đích thúc đẩy con thay đổi. Dù vậy, đây là cách dạy con tuổi nổi loạn sai lầm khiến trẻ cảm thấy cha mẹ không công nhận, không đánh giá cao mình. Từ đó làm trẻ bị tổn thương “cái tôi”, dẫn đến hệ quả không còn muốn cố gắng để cha mẹ hài lòng nữa.
Không áp đặt, cho con có nhiều sự lựa chọn
Thay vì áp đặt trẻ làm theo suy nghĩ của mình, cha mẹ nên cho con nhiều sự lựa chọn và đưa ra những ưu điểm và hạn chế của những lựa chọn đó. Khi tự đưa ra quyết định, con sẽ có ý thức độc lập và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Đồng thời, cách thức này cũng giúp con cảm thấy được cha mẹ tôn trọng và ghi nhận ý kiến cá nhân.
Khi trẻ được chủ động lựa chọn, con sẽ dễ hợp tác theo mong muốn của cha mẹ hơn.
>> Dành cho bạn:
- Bí quyết giúp trẻ tôn trọng sự khác biệt để tự tin thể hiện cá tính riêng
- Chia sẻ cách giúp trẻ nâng cao tự tin về ngoại hình
Biết cách khen ngợi con, đừng phán xét tiêu cực
Với tâm lý muốn trở thành người lớn, trẻ tuổi dậy thì thích đón nhận những lời khen ngợi. Điều này đáp ứng nhu cầu khẳng định bản thân của trẻ, đồng thời mang lại nhiều cảm xúc tích cực giúp con có thêm động lực để cố gắng hoàn thiện. Do đó, cha mẹ nên biết cách khen ngợi trẻ đúng lúc, đúng việc để khuyến khích con phát huy những ưu điểm của bản thân.
Tạo không khí vui vẻ trong những buổi sinh hoạt gia đình
Vì tâm lý tuổi dậy thì khó kiểm soát, trẻ thường dễ có xu hướng tách biệt khỏi gia đình, bạn bè nếu không được thấu hiểu. Vì thế, cha mẹ nên tạo không khí vui vẻ trong những buổi sinh hoạt gia đình, đi chơi cùng họ hàng,... để khuyến khích con gắn bó, hòa nhập với mọi người.
Mỗi bạn trẻ bước vào tuổi nổi loạn dậy thì sẽ có mức độ phản ứng khác nhau, vì thế không có một công thức giáo dục nào có thể áp dụng hiệu quả hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn nhỏ nào cũng cần sự quan tâm và thấu hiểu từ cha mẹ. Đặc biệt ở những bé gái càng nhạy cảm hơn, phụ huynh cần thấu hiểu và hướng dẫn, giúp con vượt qua trở ngại về tâm sinh lý.
Khám phá thêm những bài viết hữu ích tại website Diana - Bạn Thân Ngày Dâu để đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn tuổi dậy thì nhiều biến động cha mẹ nhé!