Đến tuổi dậy thì, khi cơ thể diễn ra nhiều sự thay đổi, trẻ dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý. Vậy làm sao để cha mẹ giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì dễ dàng? Câu trả lời có ngay trong bài viết sau đây, mời các bậc phụ huynh cùng tham khảo ngay nhé!
Khủng hoảng tuổi dậy thì ở trẻ là gì? Cha mẹ nên hiểu sao cho đúng?
Khủng hoảng tuổi dậy thì là trạng thái mất cân bằng cảm xúc và lý trí khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì với rất nhiều sự thay đổi. Cụ thể, nguyên nhân của chính của tình trạng này là do:
- Sự thay đổi của hormone tác động trực tiếp đến tâm lý.
- Sự thay đổi của hormone dẫn đến sự thay đổi về hình thể, sinh lý, khiến trẻ chưa thích ứng kịp, từ đó cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể rơi vào trạng thái khủng hoảng tuổi dậy thì, vì vậy cha mẹ nên quan tâm và đồng hành cùng con trong giai đoạn này.
Nhận biết các biểu hiện khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì ở con
Cha mẹ có thể nhận biết trẻ đang gặp tình trạng khủng hoảng tuổi dậy thì qua một số biểu hiện sau đây:
Tâm trạng thay đổi thất thường
Trẻ có thể đang vui vẻ nhưng lại chuyển sang trạng thái buồn chán nhanh chóng. Biểu hiện này có thể do tâm lý trẻ tuổi dậy thì dễ bị tác động bởi những lời nói hoặc hành động của gia đình, bạn bè, thầy cô.
Thường xuyên tự ti, mặc cảm
Tình trạng này có thể xuất phát từ sự thay đổi của cơ thể khiến trẻ cảm thấy khác biệt. Hoặc con bắt đầu chú tâm vào ngoại hình hơn và so sánh với các bạn đồng trang lứa nên tự ti, mặc cảm,... Đối với một số trẻ bị khủng hoảng tâm lý nặng nề còn có thể trở nên sống khép kín, ngại giao tiếp với mọi người.
Khi rơi vào khủng hoảng tuổi dậy thì, trẻ khó cân bằng được cảm xúc dẫn đến các dấu hiệu như tâm trạng thất thường, dễ cảm thấy tự ti, mặc cảm,...
Thay đổi thói quen ăn uống
Một số trẻ sợ bạn bè trêu ghẹo về ngoại hình nên ăn ít hơn khẩu phần bình thường. Hoặc ngược lại, một số trẻ có thể ăn nhiều hơn để giải tỏa trạng thái mất cân bằng cảm xúc, lâu ngày có thể dẫn đến nguy cơ béo phì.
Cảm thấy mệt mỏi
Trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, uể oải, ngủ không ngon giấc khiến con học hành sa sút.
Thích sự tự do khám phá, ghét bị kiểm soát
Trẻ đến tuổi dậy thì có mong muốn tự do khám phá, thể hiện cá tính bản thân. Vì thế, con thường cảm thấy tức giận nếu bị phụ huynh kiểm soát hoặc cấm đoán.
>> Xem ngay: Bí quyết khơi gợi sự tin tin về ngoại hình trong trẻ
Cha mẹ nên giúp con vượt qua khủng hoảng dậy thì như thế nào?
Để khủng hoảng tuổi dậy thì không ảnh hưởng lớn đến hành trình trưởng thành của con, cha mẹ có thể áp dụng một số giải pháp như:
Lắng nghe, chia sẻ cùng con - điều cốt lõi
Khi rơi vào trạng thái khủng hoảng tuổi dậy thì, trẻ cần được lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn để giải tỏa những cảm xúc khó nói trong lòng. Vì thế, cha mẹ nên dành thời gian quan tâm, kiên nhẫn tìm hiểu xem con đang cảm thấy thế nào. Đặc biệt, với những chuyện nhạy cảm khiến trẻ khó chia sẻ, bạn có thể nhắn tin cho con thay vì trò chuyện trực tiếp.
>> Xem thêm: Chia sẻ cách làm bạn và cùng con vượt qua tuổi dậy thì
Khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa
Cha mẹ nên khuyến khích con tham gia các câu lạc bộ, trại hè, chương trình văn nghệ hoặc thể thao... để con giảm bớt những cảm xúc tiêu cực, cải thiện khả năng giao tiếp, cũng như học hỏi thêm nhiều điều mới lạ.
Hãy dành cho con sự riêng tư
Trẻ gặp khủng hoảng tuổi dậy thì luôn mong muốn được tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, không muốn phụ huynh giám sát quá chặt chẽ. Vì thế, cha mẹ nên dành cho con không gian riêng tư bằng những cách như: cho trẻ ngủ và sinh hoạt trong phòng riêng, gõ cửa phòng trước khi vào, không lục soát đồ, kiểm tra điện thoại của con,... Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tôn trọng một số sở thích cá nhân của con trong phạm vi cho phép, chẳng hạn như cho trẻ mặc quần áo ưa thích, trang trí phòng ngủ theo mong muốn,... Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần theo dõi con thường xuyên và tạo bầu không khí trò chuyện thoải mái để trẻ dễ dàng mở lòng, giãi bày tâm sự.
>> Tin liên quan: Cha mẹ cần lưu ý những gì đối với quyền riêng tư và cá tính của con trong giai đoạn dậy thì
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho con
Chế độ ăn uống của trẻ cần đảm bảo đầy đủ dưỡng chất để đáp ứng nhu cầu phát triển. Cụ thể, trẻ cần được bổ sung đầy đủ các nhóm chất bào gồm: Chất đạm (thịt, cá, tôm, trứng, sữa), chất béo (dầu động vật, dầu thực vật), tinh bột (gạo, bột mì, củ, khoai), vitamin và khoáng chất (thịt đỏ, rau lá xanh, các loại hạt, khoai lang).
Tìm hiểu và trang bị kiến thức tuổi dậy thì ở trẻ
Hiện nay, có nhiều sách, diễn đàn, website hoặc hội nhóm phụ huynh chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về tuổi dậy thì. Cha mẹ có thể tìm đến những kênh thông tin này để đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì.
Cha mẹ sẵn sàng thay đổi cùng con
Để cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì, cha mẹ cũng cần điều chỉnh những thói quen trong gia đình theo hướng tích cực. Chẳng hạn, cha mẹ có thể thiết lập lại thời gian biểu của gia đình để các thành viên có những hoạt động chung như đi dạo sau bữa tối, nấu bữa ăn cùng nhau,...
Để giúp trẻ cải thiện tâm trạng, cha mẹ nên tạo điều kiện để con có nhiều hoạt động cùng gia đình như nấu ăn, đi bộ, du lịch cùng nhau.
>> Dành cho bạn: Cha mẹ cần chuẩn bị những gì khi con tới tuổi dậy thì?
Đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý nếu cần thiết
Nếu cha mẹ thấy trẻ có dấu hiệu trầm cảm nặng và cảm thấy không thể giúp con giải quyết, cha mẹ nên đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý để có những biện pháp hiệu quả và phù hợp.
Với những cách vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì cùng con được chia sẻ trên đây, hy vọng có thể giúp cha mẹ tìm được giải pháp phù hợp nhất với trẻ.
Để tích lũy thêm nhiều kiến thức hữu ích về tuổi dậy thì của con, quý phụ huynh đừng quên cập nhật bài viết trên website Bạn Thân Ngày Dâu nhé!