Estrogen là một trong các nội tiết tố nữ bắt đầu được sản xuất khi bước vào tuổi dậy thì, quyết định các đặc điểm về hình thể và chức năng sinh lý đặc trưng của con gái chúng mình. Xoay quanh loại hormone này còn rất nhiều điều thú vị có thể bạn chưa biết. Cùng Bạn Thân Ngày Dâu tìm hiểu ngay nhé!
Hormone estrogen là gì?
Estrogen là nội tiết tố nữ xuất hiện ở tuổi dậy thì, được sản sinh chủ yếu từ buồng trứng cùng một lượng nhỏ từ tuyến thượng thận và tế bào mỡ.
Loại hormone này được cơ thể tiết ra theo chu kỳ hàng tháng. Cụ thể, nồng độ estrogen sẽ tăng tiết nhiều trong nửa đầu chu kỳ kinh nguyệt nhằm kích thích rụng trứng. Trong những ngày còn lại của chu kỳ, estrogen sẽ hạ dần về mức bình thường.
Estrogen là nội tiết tố nữ sản sinh chủ yếu từ buồng trứng, có nồng độ thường thay đổi nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt.
Các loại hormone estrogen
Hormone estrogen được phân loại thành 3 loại chính là: Estrone (E1), Estradiol (E2) và Estriol (E3). Cụ thể:
- Estrone (E1): Đây là một dạng estrogen yếu, được phân bổ trong hầu hết các mô và nhiều nhất là cơ bắp và mỡ.
- Estradiol (E2): Estradiol (E2) là loại estrogen mạnh nhất được sản xuất từ buồng trứng với nhiều nhiệm vụ, trong đó có duy trì hệ thống cơ quan sinh sản khỏe mạnh.
- Estriol (E3): Đây là estrogen hoạt động yếu nhất, được thải ra sau khi cơ thể sử dụng E1 và E2. Loại hormone này cũng tham gia điều hòa chức năng sinh sản, nó được tiết nhiều hơn trong thời kỳ mang thai.
Vai trò của hormone estrogen ở độ tuổi dậy thì
Dậy thì là giai đoạn nội tiết tố nữ bắt đầu hình thành và phát triển. Vì thế trong quá trình tìm hiểu Estrogen là gì, nhiều bạn gái khá thắc mắc tác dụng của loại nội tiết này. Dưới đây là những tác động của Estrogen đối với cơ thể ở tuổi dậy thì bạn nên chú ý:
Thay đổi ngoại hình
Hormone estrogen có vai trò quan trọng đến quá trình thay đổi ngoại hình của bạn gái trong độ tuổi dậy thì, cụ thể:
- Nổi mụn trứng cá: Estrogen kích thích hoạt động của các tuyến dầu nhờn khiến da sản sinh quá mức bã nhờn, gây bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn.
- Tóc và lông trên cơ thể: Khi buồng trứng bắt đầu sản xuất Estrogen thì tóc của bạn gái sẽ lâu dài. Tuy nhiên, sợi tóc và lông trên cơ thể sẽ trở nên mềm và mỏng hơn trước.
- Phát triển vóc dáng: Estrogen được sản sinh giúp khung xương nữ có cấu trúc nhỏ, ngắn cho vóc dáng mềm mại hơn con trai.
- Tạo chất giọng thanh, cao: Estrogen có tác dụng thu hẹp thanh quản và giúp dây thanh âm ngắn hơn. Điều này giúp bạn gái có giọng nói cao và thanh hơn giọng bạn trai.
Hormone Estrogen ảnh hưởng đến quá trình thay đổi ngoại hình ở con gái.
>> Xem ngay: Tất tần tật về những dấu hiệu có kinh ở nữ giới mà bạn không nên bỏ qua!
Hình thành các đặc tính sinh dục nữ và duy trì chu kỳ kinh nguyệt bình thường
Bên cạnh sự thay đổi về ngoại hình và giọng nói, estrogen còn ảnh hưởng đến sinh lý bên trong của cơ thể bạn gái:
- Các tuyến vú: Khi bước vào tuổi dậy thì, hormone estrogen sẽ hỗ trợ ống dẫn tuyến vú phát triển giúp vùng ngực bạn gái to lên và làm thay đổi sắc tố của núm vú. Bên cạnh đó, sự thay đổi nồng độ estrogen vào kỳ kinh nguyệt cũng gây ra tình trạng đau vú - triệu chứng tiền kinh nguyệt mà bạn gái thường gặp.
- Tử cung: Hormone estrogen có khả năng làm tăng kích thước nội mạc tử cung, hỗ trợ tăng cường lưu thông máu, protein, enzyme. Vào ngày kinh nguyệt, hoocmon estrogen giúp quá trình đào thải các mô chết trong cổ tử cung dễ dàng hơn, từ đó duy trì chu kỳ kinh nguyệt bình thường.
Nồng độ hormone estrogen trong chu kỳ kinh nguyệt
Trong chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ estrogen thay đổi theo ba giai đoạn chính như sau:
- Giai đoạn nang trứng: Ở giai đoạn này, lượng estrogen bắt đầu tăng trong khoảng 20 - 150 pg/mL (73 - 551 pmol/L) và niêm mạc tử cung dày lên tạo điều thuận lợi cho quá trình thụ thai và hình thành bào thai.
- Giai đoạn rụng trứng: Nồng độ estrogen tăng lên đỉnh điểm rơi vào khoảng 40-350 pg/mL (551-2753 pmol/L). Lúc này, tử cung xuất hiện chất nhầy giúp tinh trùng di chuyển dễ dàng và thụ tinh với trứng. Tìm hiểu thêm về dấu hiệu rụng trứng TẠI ĐÂY.
- Giai đoạn hoàng thể: Nếu xảy ra quá trình thụ tinh thành công và mang thai, nồng độ estrogen tăng dần trong khoảng 30-450 pg/mL (110-1652 pmol/L) giúp nội mạc tử cung dày lên để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi. Nếu trứng không được thụ tinh, nồng độ estrogen giảm trở về mức ban đầu (20 - 150 pg/mL) khiến lớp niêm mạc tử cung bị bong ra và rời khỏi cơ thể thông qua âm đạo (chúng ta gọi đó là kinh nguyệt).
Việc tăng giảm nồng độ hormone estrogen trong chu kỳ kinh nguyệt ở tuổi dậy thì là bình thường. Nhưng trong một số trường hợp buồng trứng không sản sinh đủ lượng nội tiết tố có thể gặp phải tình trạng thiếu hụt hormone estrogen. Bạn gái có thể nhận biết tình trạng này qua các dấu hiệu như thấp bé, còi xương, da dẻ kém mềm mại, không có các đường cong cơ thể điển hình, giọng nói ồm không trong trẻo… Khi đó, các bạn nên thông báo với phụ huynh để đến gặp bác sĩ phụ khoa nhằm chẩn đoán nguyên nhân và có hướng can thiệp kịp thời.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hormone estrogen là gì và vai trò đối với sức khỏe con gái. Có thể nói, tuổi dậy thì tuy còn nhiều bỡ ngỡ nhưng cũng có vô vàn điều thú vị. Để thấu hiểu bản thân hơn trong giai đoạn dậy thì, bạn đừng quên thường xuyên theo dõi các bài viết hữu ích khác trên Bạn Thân Ngày Dâu nhé!