Nội tiết tố nữ có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là ở độ tuổi dậy thì. Các bạn gái nên hiểu đúng để nhận biết được những thay đổi của cơ thể là do đâu, tránh lo lắng quá mức và biết cách xử lý cho phù hợp. Vậy nội tiết tố nữ là gì? Cùng xem bài viết sau đây nhé!
Nội tiết tố nữ là gì?
Nội tiết tố nữ là hormone sinh dục được sản xuất tự nhiên từ buồng trứng và một phần ở tuyến thượng thận, nhau thai,… bao gồm estrogen, progesterone và testosterone. Trong đó, estrogen và progesterone là 2 hormone chính, còn testosterone chỉ tiết ra một lượng nhỏ.
Estrogen
Estrogen là nội tiết tố nữ chính, được tiết ra từ buồng trứng cùng một lượng nhỏ từ tuyến thượng thận và tế bào mỡ. Hormone này đóng vai trò quan trọng trong chức năng sinh dục, sinh sản ở tuổi dậy thì, kinh nguyệt,... và hoạt động của não bộ, hệ tim mạch, tóc, hệ cơ xương,... Nồng độ của estrogen thường thay đổi nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt.
Progesterone
Hormone progesterone được tiết ra chủ yếu từ buồng trứng, có vai trò chuẩn bị niêm mạc tử cung để trứng được thụ tinh di chuyển xuống làm tổ và ức chế sản sinh estrogen sau rụng trứng. Trong chu kỳ kinh nguyệt progesterone sẽ giảm vì cơ thể không cần phát triển lớp niêm mạc tử cung mới mỗi tháng.
Testosterone
Testosterone tuy là hormone của nam giới nhưng ở nữ giới vẫn sản sinh một lượng nhỏ từ tuyến thượng thận và buồng trứng. Testosterone có vai trò điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và tăng sức mạnh của xương, cơ bắp.
Tầm quan trọng của nội tiết tố nữ ở tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì là giai đoạn nội tiết tố nữ bắt đầu hình thành và phát triển, vì vậy mà bạn gái có nhiều sự thay đổi về ngoại hình, sinh lý và tâm lý.
Bạn gái trong độ tuổi dậy thì có nhiều sự thay đổi về ngoại hình, như cao hơn vì nội tiết tố nữ bắt đầu phát triển.
>> Xem ngay: Những dấu hiệu dậy thì ở nữ mà các bạn gái nên biết!
Khi tuyến yên (tuyến chính của hệ thống nội tiết, có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động của các tuyến nội tiết khác) sản xuất hormone LH và hormone FSH sẽ kích thích sản sinh estrogen và progesterone. Lúc này nồng độ estrogen và progesterone tăng lên làm cho cơ thể có những thay đổi như:
- Phát triển vú.
- Mọc lông ở nách, chân và vùng kín.
- Tăng chiều cao.
- Tăng lưu trữ chất béo ở mông, hông và đùi.
- Bắt đầu hành kinh.
- Mở rộng xương chậu và hông.
- Tăng tiết dầu trên da.
Sự thay đổi này giúp đánh dấu cột mốc phát triển quan trọng, cho thấy bạn gái đã bước sang quá trình trưởng thành trong độ tuổi dậy thì.
Ngoài ra, tuổi dậy thì cũng là lúc bạn gái bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Lúc này cơ thể sẽ trải qua 3 giai đoạn là nang trứng, rụng trứng và hoàng thể. Sự thay đổi của estrogen và progesterone sẽ giúp quá trình hành kinh diễn ra thuận lợi hơn.
- Ở giai đoạn nang trứng: Máu và mô từ tử cung thoát ra ngoài cơ thể làm nồng độ estrogen và progesterone giảm dẫn đến tâm trạng thay đổi thất thường. Tuyến yên sản sinh hormone FSH, LH làm estrogen tăng lên, tạo điều kiện phát triển nang trứng trong buồng trứng. Nang trứng càng phát triển estrogen càng tăng, kích thích sản xuất endorphin và cải thiện tâm trạng.
- Ở giai đoạn rụng trứng: Hormone estrogen và LH tăng lên làm nang trứng vỡ ra và rời khỏi buồng trứng, sẵn sàng cho việc thụ tinh.
- Ở giai đoạn hoàng thể: Trứng di chuyển đến tử cung, nang trứng vỡ sẽ giải phóng progesterone để đón trứng đã thụ tinh. Nếu trứng không thụ tinh, estrogen và progesterone sẽ suy giảm và bắt đầu chu kỳ hành kinh.
Rối loạn nội tiết tố nữ - Vấn đề thường gặp ở bạn gái
Rối loạn nội tiết tố nữ là tình trạng hormone estrogen và progesterone tăng giảm bất thường, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như kinh nguyệt không đều, nổi mụn, khó ngủ, cơ thể mệt mỏi, đổ mồ hôi đêm,...
Một số nguyên nhân rối loạn nội tiết tố nữ bạn gái cần biết gồm:
- Cơ thể trải qua giai đoạn dậy thì: Đây là thời điểm nội tiết tố estrogen và progesterone dao động tự nhiên, đánh dấu sự chuyển giao quan trọng của cơ thể. Nồng độ nội tiết tố thường sẽ ổn định dần khi qua tuổi dậy thì.
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học: Ăn uống thiếu chất, nhịn ăn để giảm cân, ngủ không đủ giấc, ít vận động, thường xuyên căng thẳng (vào thời gian thi cử),... có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone estrogen và progesterone.
- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc hormone, thuốc kháng sinh,... có thể làm cho hormone estrogen và progesterone tăng hoặc giảm đột ngột, gây mất cân bằng nội tiết tố.
- Các bệnh lý: Các bệnh hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh tuyến giáp,... làm cho hormone hoạt động thiếu ổn định như tăng hormone tuyến giáp, tăng hormone androgen,... từ đó dẫn đến rối loạn nội tiết tố nữ.
Rối loạn nội tiết tố nữ có thể do dậy thì, chế độ ăn uống - sinh hoạt hoặc vấn đề sức khỏe.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn nội tiết
Bạn gái có thể nhận biết rối loạn nội tiết tố nữ thông qua các dấu hiệu sau:
Triệu chứng tăng nội tiết tố nữ
Tăng nội tiết tố nữ được hiểu là cơ thể sản xuất quá nhiều estrogen, các dấu hiệu như kinh nguyệt không đều; sưng đau ở vú; đau đầu; rụng tóc; tăng cân; mệt mỏi, đầy hơi; tâm trạng thất thường;...
Dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ
Suy giảm nội tiết tố là tình trạng cơ thể giảm sản xuất estrogen, có các triệu chứng như da trở nên khô hơn; tim đập nhanh, hồi hộp; dễ cáu gắt; chóng mặt; mất ngủ, ngủ không ngon giấc; xương khớp đau nhức.
*Lời khuyên: Khi cơ thể có các biểu hiện lạ, bạn gái nên chia sẻ với ba mẹ để được hướng dẫn cách xử lý và thăm khám sức khỏe nếu cần thiết nhé.
Cách giúp các bạn gái cân bằng nội tiết tố nữ hiệu quả
Bạn gái có thể áp dụng một vài cách sau để giúp cho nội tiết tố cân bằng, tăng cường sức khỏe.
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Để cân bằng nội tiết tố nữ hiệu quả, bạn lưu ý dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đảm bảo an toàn, tránh tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thay đổi chế độ ăn uống
Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng giúp quá trình sản xuất các hormone ổn định và cân bằng hơn, nhờ vậy cải thiện các triệu chứng của rối loạn nội tiết tố.
Cụ thể, nếu bạn bị thừa estrogen thì nên bổ sung rau họ cải (bông cải xanh, bắp cải…), cá béo, hạt lanh, trứng, khoai lang, trái cây (táo, bơ, dâu tây, đào, mâm xôi,...). Còn nếu bạn cần tăng cường nội tiết tố nữ nên ăn nấm, hạt hạnh nhân, hạt hồ đào, cải ngọt, bắp cải, yến mạch, lựu, nho đỏ,...
>> Dành cho bạn: Nên ăn gì khi đến tháng để có kinh nguyệt đều nhỉ?
Điều chỉnh lối sống
Ngoài thay đổi chế độ ăn uống, việc có lối sống lành mạnh cũng giúp cân bằng nội tiết tố nữ hiệu quả. Thường xuyên tập thể dục, ngủ đủ giấc và hạn chế thức khuya, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng hay lo lắng quá mức,... giúp nồng độ hormone được duy trì ổn định, hạn chế tình trạng tăng hoặc giảm quá nhiều.
Bài viết trên là các thông tin giải đáp cho câu hỏi nội tiết tố nữ là gì. Hy vọng các bạn gái đã hiểu rõ hơn về nội tiết tố nữ và cách để cân bằng nội tiết tố, chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Đừng quên đón đọc nhiều bài viết hữu ích khác trên website Bạn Thân Ngày Dâu nhé!