Bên cạnh chia sẻ kiến thức học tập, giáo viên đừng bỏ qua hoạt động giáo dục giới tính cho học sinh. Đây là việc cần làm, giúp các em có thể chủ động bảo vệ chính bản thân mình. Tuy nhiên để truyền tải tốt “bài học” này, thầy cô chúng mình cần lưu ý gì?
Hiểu rõ giáo dục giới tính là hoạt động cần thiết để truyền tải đúng cách
Giáo dục giới tính là hoạt động được tổ chức với mục đích trang bị cho trẻ các kiến thức, kỹ năng và thái độ về các vấn đề liên quan đến giới tính, mối quan hệ, sức khỏe sinh sản… Thông thường, các chủ đề giáo dục giới tính gồm có:
- Sự phát triển của cơ thể từ tuổi dậy thì đến tuổi trưởng thành, giúp trẻ hiểu về sự khác biệt giữa nam và nữ, cơ cấu sinh dục, và vai trò của các giới tính.
- Sự khác nhau giữa các mối quan hệ gia đình, tình bạn, tình yêu… Qua đó trẻ có thể biết được cách hình thành một mối quan hệ và ranh giới của các mối quan hệ đó.
- Trang bị các kiến thức về sức khỏe tình dục và sinh sản. Định hướng suy nghĩ cho trẻ cái nhìn đúng đắn về tình dục, bảo vệ bản thân khỏi các bệnh tình dục…
Giáo dục giới tính cho học sinh nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Bởi khi hiểu rõ sự phát triển tâm sinh lý tuổi dậy thì và nhận thức được các vấn đề mà cơ thể gặp phải, các bạn sẽ nâng cao nhận thức bảo vệ bản thân hơn.
Giáo dục giới tính giúp các em hiểu rõ những thay đổi và cách xử trí tình huống lần đầu gặp phải.
>> Tìm hiểu ngay: Sự khác nhau về dấu hiệu dậy thì giữa nam và nữ
Chọn lọc thông tin giáo dục giới tính phù hợp theo độ tuổi
Mỗi độ tuổi trẻ sẽ có sự thay đổi tâm sinh lý khác nhau, vì vậy giáo viên cần chọn lọc thông tin để truyền tải cho phù hợp.
Giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học từ 6-10 tuổi
Ở độ tuổi này, cơ thể của trẻ đã bắt đầu có sự phát triển để chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì. Vì thế, để các bạn chủ động bảo vệ bản thân, thầy cô nên cho trẻ biết rằng cơ thể của mình không ai được tự ý chạm vào, nhất là vùng riêng tư khi chưa được cho phép. Đồng thời, các bạn cũng cần biết cách xin phép trước khi chạm vào cơ thể người khác (như ôm, nắm tay, bắt tay…). Qua đó, trẻ sẽ nhận biết được đâu là hành động không an toàn từ người lạ và thông báo kịp thời với thầy cô nếu có gì bất thường.
Giáo dục giới tính cho học sinh THCS từ 11-14 tuổi
Đây là giai đoạn trẻ bước vào tuổi dậy thì, với sự phát triển rõ rệt về thể chất, tâm lý, nhận thức… Việc giáo dục giới tính lúc này là rất cần thiết, nhằm giúp các bạn nhận biết được sự khác nhau giữa nam và nữ tuổi dậy thì là gì và cần chuẩn bị những gì để tự tin vượt qua giai đoạn này. Đặc biệt với các bạn gái, giáo viên nên giúp trẻ hiểu rằng kinh nguyệt hay ngực phát triển là vấn đề sinh lý hoàn toàn bình thường, không cần phải xấu hổ hay sợ bị trêu ghẹo…
Giáo dục giới tính cho học sinh THPT từ 15-17 tuổi
Trong giai đoạn cuối của tuổi thiếu niên, giáo viên cần cởi mở chia sẻ để các bạn học sinh hiểu rõ hơn về những vấn đề liên quan đến tình cảm nam nữ, biện pháp tránh thai an toàn… Điều này giúp tạo nền tảng để các bạn phát triển các mối quan hệ lành mạnh trong tương lai, đồng thời biết cách phòng tránh nguy cơ xâm hại và bảo vệ bản thân khỏi những hệ lụy không mong muốn.
>> Dành cho bạn: Hệ "tập sự" nên học ngay cách bảo vệ bản thân
Tạo môi trường cởi mở, tích cực, an toàn để học sinh chia sẻ
Khi tổ chức các buổi sinh hoạt về giáo dục giới tính, nhà trường và giáo viên nên đảm bảo tính an toàn, tôn trọng. Điều này giúp các bạn có thể nói về vấn đề giới tính một cách tự do mà không sợ bị phê phán hoặc bị xấu hổ.
Bên cạnh đó, thầy cô có thể cung cấp các tài liệu giáo dục giới tính để các bạn tự tìm hiểu trước. Sau đó tổ chức các buổi thảo luận và trao đổi ý kiến. Việc này không chỉ giúp học sinh có cơ hội hiểu rõ hơn về các vấn đề giới tính mà còn khuyến khích họ phát triển kỹ năng tự học và tư duy phản biện.
Trong các buổi sinh hoạt giáo dục giới tính, giáo viên nên cởi mở chia sẻ và khuyến khích các bạn nêu ý kiến, quan điểm… để có sự thấu hiểu sâu sắc hơn.
Trả lời thắc mắc của học sinh rõ ràng, dễ hiểu, không né tránh
Trong độ tuổi dậy thì, trẻ thường có nhiều thắc mắc về sự thay đổi tâm sinh lý, như sự phát triển của cơ thể, tâm trạng, cảm xúc thay đổi thất thường… Đây hoàn toàn là điều bình thường, giáo viên cần hiểu rằng học sinh hỏi mình vì các em nhận định rằng đây là nguồn đáng tin cậy nhất. Vì thế, thầy cô nên trả lời một cách rõ ràng và chính xác để các bạn hiểu rõ vấn đề. Nếu không thể trả lời ngay, hãy hẹn các em vào một thời điểm cụ thể để trao đổi.
Khi giải thích, giáo viên nên sử dụng ngôn từ dễ hiểu và cởi mở. Đồng thời thầy cô không tỏ cảm giác ngại ngùng khi thảo luận về các chủ đề giáo dục giới tính. Vì như thế có thể khiến trẻ cũng sẽ không thấy thoải mái và có thể hiểu sai cũng như sẽ tìm cách né tránh, nhất là khi gặp vấn đề. Ngoài ra, thầy cô cũng chú ý sử dụng các nguồn thông tin đáng tin cậy và khoa học khi truyền đạt, nhằm đảm bảo học sinh tiếp nhận lượng thông tin chính xác, tránh bị sai lệch.
Nên hợp tác với phụ huynh để đảm bảo nhất quán thông tin
Song song việc tổ chức các buổi giáo dục giới tính cho trẻ, thầy cô nên hợp tác với phụ huynh, để đảm bảo thông điệp được truyền đạt một cách nhất quán giữa nhà trường và gia đình. Ngoài ra, bố mẹ cần tránh thực hiện những điều như hạn chế hôn con tùy tiện, không tắm chung với trẻ, không cởi quần áo trước mặt trẻ… Bởi những việc này lặp lại thường xuyên sẽ làm trẻ cho rằng đây là điều bình thường, dẫn đến nhiều nguy cơ bị người khác lạm dụng.
Nhìn chung, việc giáo dục giới tính cho học sinh là hoạt động cần thiết ở độ tuổi dậy thì. Vì thế, để truyền tải tốt nhất, thầy cô lưu ý nên chọn lọc thông tin phù hợp, cởi mở chia sẻ và trả lời thắc mắc thẳng thắn, từ đó giúp các bạn có nhận thức đúng đắn để phát triển tốt hơn. Ngoài ra, đừng quên tham khảo thêm các bài viết khác tại Bạn Thân Ngày Dâu để tự tin là người bạn đồng hành tốt nhất của các em nhé!