Khủng hoảng tuổi dậy thì thường xảy ra do các bạn có sự thay đổi về cơ thể (chiều cao, cân nặng, bộ phận sinh dục…) và phải đối mặt với sự biến đổi tâm lý (áp lực học tập, gia đình, chưa hiểu rõ về giới tính,...). Nếu không được giải quyết nhanh chóng, điều này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
Bên cạnh phụ huynh, thầy cô cũng là những người đồng hành đáng tin cậy khi trẻ bước vào độ tuổi mới lớn. Đối mặt với tình huống này, giáo viên nên làm thế nào giúp trẻ nhanh chóng vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì? Hãy theo dõi ngay bài viết sau để có lời giải đáp.
Trấn an và lắng nghe tâm sự của trẻ
Trước tiên, thầy cô nên trấn an và giải thích cho trẻ biết được những biến đổi của cơ thể và tâm lý trong thời kỳ dậy thì là hoàn toàn bình thường, ai cũng phải trải qua để có thể trưởng thành hơn. Đồng thời, giáo viên cũng nên dành thời gian trò chuyện với học sinh, đặt ra nhiều câu hỏi để các bạn có thể thoải mái chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, tâm tư của bản thân.
Tạo môi trường học tập lành mạnh
Nhằm giúp trẻ cảm thấy tự tin và thoải mái khi trải qua giai đoạn tuổi dậy thì, thầy cô nên đảm bảo môi trường học tập lành mạnh, không kỳ thị và không áp đặt tiêu chuẩn về vẻ đẹp hay thành công. Ngoài ra, giáo viên nên định hướng cho trẻ tư duy tôn trọng sự khác biệt, đừng đánh giá thấp người khác chỉ vì họ khác biệt với mình.
>> Xem thêm: Chia sẻ cách dạy trẻ tư duy tôn trọng sự khác biệt để tự tin thể hiện cá tính bản thân
Môi trường học tập lành mạnh, thân thiện giúp các bạn cảm thấy tự tin khi chia sẻ hoặc đóng góp ý kiến mà không lo bị bác bỏ.
Trang bị cho các bạn những kiến thức về tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì với những biến đổi mới lạ về tâm sinh lý có thể làm trẻ bỡ ngỡ. Vì thế, để đồng hành cùng trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì, thầy cô có thể hỗ trợ bằng cách:
- Tổ chức các buổi sinh hoạt chủ đề tuổi dậy thì: Đây là hoạt động cần thiết, giúp các bạn có thể thoải mái chia sẻ, đặt câu hỏi về sự thay đổi tâm sinh lý, mối quan hệ với bạn khác giới… Trong buổi đó giáo viên chú ý chia sẻ những thông tin chính xác, sử dụng ngôn từ dễ hiểu và giữ tâm lý cởi mở, nhằm giúp các bạn dễ dàng tiếp nhận, hiểu rõ vấn đề một cách sâu sắc hơn.
- Giáo dục giới tính an toàn: Bên cạnh sinh hoạt về các vấn đề thường gặp trong giai đoạn dậy thì, giáo viên nên kết hợp chia sẻ các chủ đề giáo dục giới tính. Theo đó, thầy cô nên hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ chính mình để phòng tránh nguy hiểm xung quanh, không được để người khác chạm vào vùng nhạy cảm của mình khi chưa được cho phép… Ngoài ra, nên dặn dò trẻ nếu gặp vấn đề gì, hãy mạnh dạn chia sẻ với bố mẹ, thầy cô để được giúp đỡ kịp thời.
Gợi ý hướng xử lý vấn đề cho trẻ ở tuổi dậy thì
Giai đoạn tâm lý tuổi dậy thì thường dễ bị khủng hoảng bởi nhiều vấn đề xung quanh. Chẳng hạn như trẻ dễ căng thẳng vì học tập, môi trường xung quanh, làm suy giảm sức khỏe. Lúc này, cách vượt qua khủng hoảng tâm lý tốt nhất là thầy cô nên khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoặc xem những tài liệu (sách, báo, phim) về chủ đề giáo dục/ truyền cảm hứng…
Trường hợp trẻ bị khủng hoảng do thay đổi về ngoại hình, giáo viên nên đưa ra lời khuyên và hướng dẫn trẻ xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Điều này giúp trẻ biết cách chủ động chăm sóc bản thân tốt hơn để duy trì vẻ ngoài khỏe đẹp, tự tin.
>> Xem ngay: Bí quyết truyền cảm hứng cho học trò tự tin về ngoại hình của mình
Phối hợp cùng phụ huynh để hỗ trợ trẻ vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì tốt hơn
Để giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì và sớm quay về với nhịp sống bình thường, giáo viên và phụ huynh nên cùng nhau phối hợp để trở thành những người đồng hành đáng tin cậy.
Bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện, tâm sự để thấu hiểu và giúp con tháo gỡ những vấn đề đang mắc phải. Đồng thời, bố mẹ cũng nên tìm hiểu sở thích của trẻ là gì để có định hướng và cách hỗ trợ phù hợp. Nếu con thích vẽ tranh, đàn hát, diễn kịch… hãy cho con tham gia các khóa học kỹ năng. Điều này không chỉ giúp trẻ trau dồi kỹ năng, mà còn tạo cơ hội để con có thêm bạn mới và phát triển tư duy, biết cách giải quyết những vấn đề của bản thân cũng như điều chỉnh cảm xúc tốt hơn, từ đó việc khủng hoảng tâm lý cũng giảm dần.
Việc chú tâm làm điều mình thích có thể giúp trẻ giảm căng thẳng, thoải mái tinh thần, từ đó giảm bớt những khủng hoảng tâm lý bản thân gặp phải.
Ngoài ra, cả phụ huynh cùng giáo viên cũng đừng quên khen ngợi và động viên khi trẻ có thành tích tốt hay đạt được một thành tựu nào đó. Điều này giúp trẻ cảm thấy tự tin vào khả năng của mình, và tạo động lực tin rằng bản thân có thể thành công hơn trong những công việc khác.
>> Tin liên quan: Bí quyết giúp bố mẹ đồng hành cùng con trẻ vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì
Hy vọng qua bài viết này, thầy cô chúng mình đã biết cách giúp trẻ vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì như thế nào để phát triển lành mạnh nhất. Ngoài ra, mời thầy cô cùng theo dõi những thông tin hữu ích khác để tự tin đồng hành cùng học sinh trong độ tuổi dậy thì tại website Bạn Thân Ngày Dâu nhé!